• :
  • :
Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa đọc nhìn từ thư viện trường học

QĐND - Bổ sung, mở rộng tri thức thông qua những trang sách là một trong những cách học hiệu quả đối với lứa tuổi học trò. Bởi vậy, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô đã đưa ra không ít cách làm nhằm bồi đắp văn hóa đọc trong môi trường học đường, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện trường học.

Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam

Trong hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6, ngay từ đầu học kỳ 2 năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tổ chức Ngày hội sách trong phạm vi nhà trường. Đến với ngày hội, các em học sinh thích thú khi được tham gia trực tiếp giới thiệu sách với nhiều hình thức. Nếu như khối lớp 5 giới thiệu sách dưới dạng nhạc kịch thì khối lớp 4 giới thiệu sách kỹ năng sống của Nhật Bản, khối lớp 3 giới thiệu sách bằng tiếng Anh… Các em còn được trò chuyện, giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa về văn hóa đọc.

Để hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản còn có nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, như: Tham gia triển lãm sách; viết, vẽ theo chủ đề; giới thiệu sách theo chủ đề giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và theo hình thức sân khấu trước toàn trường… Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Bạch Thị Thanh Huyền, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho rằng: "Văn hóa đọc quan trọng với mỗi người, đặc biệt hơn là đối với học sinh-đối tượng cần vốn tri thức để phát triển toàn diện. Ý thức được điều này nên những năm qua, nhà trường luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh văn hóa đọc trong nhà trường. Những hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 do trường tổ chức mang tới cho các em nhiều kiến thức, kỹ năng sống bổ ích và phong phú".

Trường Tiểu học Trần Quốc Toản là một trong số nhiều trường phổ thông trên địa bàn thành phố tổ chức thành công các hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội. Song song với việc tổ chức, tuyên truyền, quảng bá về Ngày Sách Việt Nam, Sở GD&ĐT TP Hà Nội còn chỉ đạo các phòng GD&ĐT và hiệu trưởng các trường phổ thông trên địa bàn tăng cường vận động, khuyến khích cán bộ, nhà giáo, học sinh tích cực đọc sách, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá trên cơ sở sử dụng kiến thức từ trong sách; đồng thời, đổi mới hoạt động thư viện trong nhà trường theo mô hình thư viện thân thiện... Thông qua các hoạt động này, Sở GD&ĐT TP Hà Nội hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học suốt đời của học sinh, sinh viên.

Mô hình thư viện mở

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển với nhiều phương tiện truyền tin như hiện nay thì thư viện trường học đóng vai trò quan trọng trong định hướng cho học sinh làm quen với văn hóa đọc. Cô giáo Bạch Thị Thanh Huyền chia sẻ: "Để khơi dậy niềm say mê đọc sách của học sinh, trước tiên cần phải cho các em làm quen với việc đọc sách thông qua thư viện trường. Bởi vậy, thư viện Trường Tiểu học Trần Quốc Toản được hoạt động theo hướng mở. Bên cạnh phòng đọc sách chính với hàng nghìn đầu sách, các em được thỏa sức lựa chọn sách theo nhu cầu ở các giá sách đặt dọc không gian tầng 2 của nhà trường. Bên cạnh đó, trong mỗi lớp học đều có tủ sách riêng do phụ huynh quyên góp. Ngoài việc đọc sách tại thư viện, nhà trường còn thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia đọc sách tại Thư viện quận Hoàn Kiếm và Phố sách Hà Nội...".

Giờ thư viện của học sinh lớp 5A1, Trường Tiểu học An Dương (Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu từ những kiến thức về an toàn giao thông trên màn hình máy chiếu được cô giáo Nguyễn Thị Huệ, thư viện viên của nhà trường củng cố lại sau khi các em được học trong giờ thư viện trước. Các em vô cùng hào hứng với cuốn sách mới “Những hạt giống tâm hồn” mà cô Huệ giới thiệu tiếp đó trong phần chủ đề tháng…

Cô giáo Phạm Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dương cho biết: "Đã từ lâu, thư viện trường trở thành địa chỉ gần gũi để các em khai thác, bổ sung những kiến thức mới, cùng nhau trao đổi những trang sách hay. Với 6.526 đầu sách chia thành nhiều thể loại: Sách tham khảo, sách văn học, sách thiếu nhi, sách khoa học, lịch sử, sách về Bác Hồ và một số loại sách song ngữ, thư viện nhà trường hoạt động theo mô hình mở, thân thiện với học sinh. Ở đây, các em không chỉ tìm được những cuốn sách mình yêu thích mà còn có thể viết ra những suy nghĩ về một cuốn sách hay hoặc vẽ tranh hay tự làm ra những cuốn sách của riêng mình. Khi học sinh đã hình thành thói quen đọc sách, các thầy cô sẽ định hướng cho các em tìm đọc những cuốn sách hay, bổ ích với những kiến thức khoa học, lịch sử, kỹ năng sống…".

Theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ: Để tạo thói quen đọc sách cho học sinh, điều quan trọng nhất là phải xây dựng cho các em một không gian đọc lý tưởng với nhiều cuốn sách hay, bổ ích thông qua mô hình thư viện mở của các nhà trường.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI


Tập tin đính kèm
Tập tin đính kèm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết